Hoàng hậu Đại Thanh Kế_Hoàng_hậu

Kế vị Trung cung

Năm Càn Long thứ 15 (1750), ngày 10 tháng 7, Càn Long Đế xuống chỉ dụ lập Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự làm Hoàng hậu[20][21]:

壬子。谕、朕恭奉皇太后懿旨。皇贵妃摄六宫事那拉氏、孝谨成性。德著椒涂。乾隆十三年。值孝贤皇后大事。内治需贤。即谕皇帝、宜敬循祖制。以娴贵妃那拉氏继体坤宁。皇帝秉礼准情。不忍遽行册立。粤从权制。册命娴贵妃那拉氏为皇贵妃。摄事六宫。阅今三载。嫔嫱效职。壸政茂脩。兹逢皇帝四十大庆。所当举行册立皇后典礼。以惬予怀。以符成命。钦此。朕惟宫庭为基化之原。人伦攸始。皇贵妃摄六宫事那拉氏、自皇考时。赐朕为侧室妃。二十余年以来。持躬淑慎。礼教夙娴。暨乎综理内政。恩洽彤闱。用克仰副皇太后端庄惠下之懿训。允足母仪天下。既臻即吉之期。宜正中宫之位。敬遵慈命。载考彝章。册命皇贵妃摄六宫事那拉氏为皇后。于以承欢圣母。佐孝养于萱闱。协赞坤仪。储嘉祥于兰掖。所有应行典礼。大学士会同礼部、内务府、详议以闻。

.

Nhâm Tý. Dụ. Trẫm cung phụng Hoàng thái hậu ý chỉ. Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự Na Lạp thị, hiếu cẩn thành tính, đức trứ tiêu đồ. Vào năm Càn Long thứ mười ba, gặp Hiếu Hiền hoàng hậu mất, nội trị nhu hiền cần có người đảm đương, nên dụ Hoàng đế nghi kính theo tổ chế. Xét thấy Nhàn Quý phi Na Lạp thị có thể kề thừa vị trí Khôn Ninh cung. Hoàng đế kính cẩn chuẩn thuận, nhưng chưa nỡ nhanh làm việc sách lập, nên trước mệnh Nhàn Quý phi Na Lạp thị làm Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự. Qua ba năm, ân cần đảm đương chức vụ, trị chốn nội viện theo khuôn phép. Nên án theo Đại khánh thứ bốn mươi của Hoàng đế, cử hành điển lễ sách lập làm Hoàng hậu. Nay ta dụ chuyện này, lấy đó làm thành mệnh cho nội chính. Khâm thử.Trẫm luôn xem trọng cơ hóa của cung đình, nhân luân là nền tảng của mọi vật. Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự Na Lạp thị, từ khi Hoàng khảo còn đã là Trắc thất phi của Trẫm. Hơn hai mươi năm đến nay, luôn trì cung thục thận, lễ giáo sớm đã nhàn nhẽ, đắc lực giúp Trẫm tổng lý nội chính. Ân đức song hành luôn không trái nhẽ, cung phụng ý huấn của Hoàng thái hậu, làm tròn tấm gương mẫu nghi thiên hạ. Nay đã qua thời tang kỳ, xét nàng rất xứng ở vị trí Trung cung. Vì vậy Trẫm kính tuân từ mệnh, khảo lại di chương, sách mệnh Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự Na Lạp thị chính vị Hoàng hậu. Nàng hãy cẩn trọng phụng sự Thánh mẫu, lấy hiếu phủ dưỡng chốn cung vi. Phụ trợ phát huy ân đức, bảo toàn phẩm đức chốn Lan dịch. Tất cả điển lễ nên cử hành, hội đồng Đại học sĩ tiến hành soạn thảo rồi tấu lại.

Chỉ dụ này chỉ định vào ngày 10 tháng 7, Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự Na Lạp thị đã chính thức trở thành Hoàng hậu, chỉ cần đợi lễ sách lập nữa là hoàn thành. Nhưng thực tế ngay từ tháng giêng đầu năm, một bộ phận hồ sơ cung đình đã dùng danh xưng [Hoàng hậu] để gọi bà, hơn nữa lễ Thiên thu (sinh nhật) của bà cũng đã sớm án theo lễ Hoàng hậu mà tiến hành[22]. Như vậy có thể thấy, Na Lạp thị chưa đầy năm đã hoàn toàn được hưởng quy cách Hoàng hậu, việc chọn ngày làm lễ sách lập rốt cuộc cũng chỉ là hình thức.

Ngày 2 tháng 8 (âm lịch) cùng năm, lấy Đại học sĩ Phó Hằng làm Chính sứ, Đại học sĩ Sử Di Trực làm Phó sứ, tuyên sách lập Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi Na Lạp thị trở thành Hoàng hậu. Cùng dịp ấy, lại dâng thêm huy hiệu cho Sùng Khánh Từ Tuyên Khang Huệ Hoàng thái hậu, thêm hai chữ [Đôn Hòa; 敦和]. Chiếu cáo thiên hạ[23][24][25][26][27].

Sách văn viết:

朕惟乾始必赖乎坤成健顺之功以备。外治恒资于内职。家邦之化斯隆。惟中阃之久虚。宜鸿仪之肇举。爰稽茂典用协彝章咨尔摄六宫事皇贵妃那拉氏。秀毓名门。祥钟世德。早从潜邸。含章而懋着芳型。晋锡荣封。受祉而克娴内则。噙躬淑慎洵堪继美于兰帏。秉德温恭。信可嗣音于椒殿往者统六宫而摄职。从宜一准前规。今兹阅三载而届期。成礼式遵慈谕。恭奉崇庆慈宣康惠皇太后命。以金册金宝立尔为皇后。尔其只承懿训。表正掖庭。虔修温凊之仪。洽观心于长乐。勉效苹蘩之职。端礼法于深宫。逮螽斯樛木之仁恩。永绥后福。覃茧馆鞠衣之德教。敬绍前徽。显命有光。鸿庥滋至钦哉。

...

Trẫm duy càn thủy tất lại hồ khôn thành kiện thuận chi công dĩ bị. Ngoại trị hằng tư vu nội chức. Gia bang chi hóa tư long. Duy trung khổn chi cửu hư. Nghi hồng nghi chi triệu cử. Viên kê mậu điển dụng hiệp di chương.

Tư nhĩ Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi Na Lạp thị. Tú dục danh môn, tường chung thế đức. Tảo tòng tiềm để, hàm chương nhi mậu trứ phương hình. Tấn tích vinh phong. Thụ chỉ nhi khắc nhàn nội tắc. Cầm cung thục thận tuân kham kế mỹ vu lan vi. Bỉnh đức ôn cung. Tín khả tự âm vu tiêu điện vãng giả thống lục cung nhi nhiếp chức. Tòng nghi nhất chuẩn tiền quy. Kim tư duyệt tam tái nhi giới kỳ. Thành lễ thức tuân từ dụ.

Cung phụng Sùng Khánh Từ Tuyên Khang Huệ Hoàng thái hậu mệnh, dĩ kim sách kim bảo, lập nhĩ vi Hoàng hậu.

Nhĩ kỳ chỉ thừa ý huấn. Biểu chính dịch đình. Kiền tu ôn sảnh chi nghi. Hiệp quan tâm vu trường nhạc. Miễn hiệu bình phiền chi chức. Đoan lễ pháp vu thâm cung. Đãi chung tư cù mộc chi nhân ân. Vĩnh tuy hậu phúc. Đàm kiển quán cúc y chi đức giáo. Kính thiệu tiền huy. Hiển mệnh hữu quang. Hồng hưu tư chí. Khâm tai.

— Sách văn tuyên lập Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi Na Lạp thị làm Hoàng hậu

Xuân phong đắc ý

Bấy giờ, Hoàng hậu Na Lạp thị được Càn Long Đế rất sủng ái, thực sự xuân phong đắc ý, vinh quang phi thường. Khoảng thời gian này bà chủ yếu sống ở Dực Khôn cung, dù trước đó đã có ghi nhận bà đã ở tại đây từ khi còn là Nhàn phi.

Từ khi được tấn dụ làm Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi năm Càn Long thứ 13, vào ngày 30 tháng 7 (âm lịch) cùng năm, gia đình bà đã nhập Mãn Châu Chính Hoàng kỳ, còn đạt được đặc phong tước vị [Thừa Ân hầu; 承恩侯]. Đến khi vừa lập làm Hoàng hậu, cha bà được phong làm [Nhất đẳng Thừa Ân công; 一等承恩公], mẹ bà trở thành Thừa Ân công phu nhân. Cháu trai bà Nạp Tô Khẳng, trước đó vào ngày 11 tháng 4 (âm lịch) trong năm ấy, chỉ tầm 1 tháng sau khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, đã được Càn Long Đế phong cho chức Càn Thanh môn thị vệ, khi Na Lạp Hoàng hậu trở thành Hoàng hậu, thì được tiếp nhận tước vị [Nhất đẳng Hầu; 一等侯], thế tập truyền đời.

Hoàng hậu Na Lạp thị từ vị tần phi, tuy hơn 30 tuổi chưa hề sinh dục khai chi tán diệp cho hoàng thất, nhưng vẫn được Càn Long Đế quyết định lập làm Hoàng hậu, hơn nữa từng ban cho địa vị [Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự] có cùng thiện đãi tương đương Hoàng hậu, có thể thấy là hiếm có trong lịch sử nhà Thanh. Nếu không phải vì năng lực được Sùng Khánh Hoàng thái hậu bảo chứng, thì cũng là vì Càn Long Đế đặc biệt coi trọng bà. Từ khi kế vị Trung cung, bà luôn có mặt trong các dịp Càn Long Đế bái yết Tông miếu, luôn cùng Hoàng đế ngao du Giang Nam, lên Ngũ Đài sơn thắp hương, tuần du Tây Nam. Các tần phi đi theo, sẽ có người này, người kia tùy đợt mà được chỉ định đi cùng, chỉ riêng Hoàng hậu Na Lạp thị [không hề thiếu], có thể thấy sự gần gũi giữa bà cùng Hoàng đế là không hề ít.

Bên cạnh đó, Hoàng hậu Na Lạp thị là một trong số ít những người được Càn Long Đế tin tưởng mà giao cho việc chỉnh sửa y phục. Đó là ghi chép trong Xuyên đái đương (穿戴档), ghi nhận lại những chỉ dụ về việc dâng tiến và chỉnh sửa trang phục cho Hoàng đế. Năm Càn Long thứ 23, ngày 15 tháng 3, Hồ Thế Kiệt truyền chỉ, dẫn nguyên văn của Hoàng đế:“Cổ áo choàng hơi nhỏ, về đến hoàng cung, đưa cho Hoàng hậu sửa lại nhé”[28]. Hay như một lần khác, truyền chỉ mời Hoàng hậu làm thêm một cái túi Đông Châu để đeo[29].

Trung niên sinh dục

Năm Càn Long thứ 17 (1752), ngày 25 tháng 4 (tức ngày 7 tháng 6 dương lịch), giờ Dần, Hoàng hậu sinh hạ Hoàng thập nhị tử Vĩnh Cơ. Sang năm sau, ngày 23 tháng 6 (tức ngày 23 tháng 8 dương lịch), giờ Dần, Na Lạp thị lại sinh hạ Hoàng ngũ nữ.

Năm Càn Long thứ 20 (1755), 22 tháng 4 (âm lịch), Hoàng nữ mất khi mới 2 tuổi, lúc này Hoàng hậu Na Lạp thị đang mang thai. Cùng năm ấy, vào ngày 21 tháng 12 (tức ngày 2 tháng 1 sang năm 1756), giờ Mão, sinh hạ Hoàng thập tam tử Vĩnh Cảnh (永璟).

Ở độ tuổi hơn tam tuần, Hoàng hậu Na Lạp thị sinh được con, mà lại là Hoàng tử, đối với hai vợ chồng Đế - Hậu thì có lẽ là một chuyện vui mừng khôn xiết chưa từng thấy. Năm thứ 17, tháng 4 thì Na Lạp Hoàng hậu hạ sinh Hoàng tử Vĩnh Cơ, như vậy độ chừng tháng 6 hoặc tháng 7 năm Càn Long thứ 16 thì bà đã mang thai. Mà trong khoản thời gian ấy, Càn Long Đế đang đi Mộc Lan Vi Trường săn thú, có Hoàng hậu tùy giá, nên hẳn là bà đã hoài thai trong đợt này. Ngày Hoàng tử Vĩnh Cơ hạ sinh, Càn Long Đế chỉ vừa cùng Hoàng hậu hồi cung có mấy ngày, và ông đã làm một việc rất hiếm khi làm, là không tự mình đến Sướng Xuân viên thỉnh an Sùng Khánh Hoàng thái hậu, mà chỉ đặc phái Thái giám đến và báo tin mừng việc hạ sinh Hoàng tử. Đối với một Càn Long Đế luôn hiếu thuận và không ngừng đích thân thỉnh an Hoàng thái hậu, có thể thấy việc sinh hạ Vĩnh Cơ đối với Càn Long Đế là một việc đại hỉ, còn báo với các đại thần cùng ông "cùng vui"[30].

Càn Long Đế cũng đích thân viết thơ mừng về việc con trai sinh ra:

视朝已备仪,弄璋重协庆,

天恩时雨旸,慈寿宁温清,

迩来称顺适,欣承惟益敬,

湖上景愈佳,山水含明净,

柳浪更荷风,云飞而川泳,

味道茂体物,惜阴励勤政。

.

Thị triều dĩ bị nghi, lộng chương trọng hiệp khánh,

Thiên ân thời vũ dương, từ thọ ninh ôn thanh,

Nhĩ lai xưng thuận thích, hân thừa duy ích kính,

Hồ thượng cảnh dũ giai, sơn thủy hàm minh tịnh,

Liễu lãng canh hà phong, vân phi nhi xuyên vịnh,

Vị đạo mậu thể vật, tích âm lệ cần chính.

— Càn Long ngự chế thi[31]

Tựa bài thơ là Thị triều toàn tất nghệ Sướng Xuân viên vấn an toại chí Côn Minh hồ thượng ngụ mục hoài hân nhân thi ngôn chí (视朝旋跸诣畅春园问安遂至昆明湖上寓目怀欣因诗言志), dịch nôm na là “Sau khi lâm triều đi Sướng Xuân viên thỉnh an rồi dạo hồ Côn Minh, thấy cái gì cũng vui nên đem niềm vui viết thành bài thơ", cho thấy ngày Hoàng hậu hạ sinh Vĩnh Cơ, đối với Càn Long Đế là một niềm hạnh phúc to lớn như thế nào. Còn Hoàng ngũ nữ, đại khái bà mang thai vào tầm tháng 8 năm Càn Long thứ 17, chỉ tầm nửa năm sau khi sinh hạ Vĩnh Cơ. Vào lúc ấy, Hoàng hậu vừa từ Tị Thử Sơn Trang về cùng Càn Long Đế, lại cùng ông ngay sau đó đi Mộc Lan Vi Trường. Sự ra đời của Hoàng ngũ nữ đã khiến Hoàng hậu Na Lạp thị trở thành người mẹ trai-gái song toàn, thực sự là một ý nghĩa rất lớn đối với một người phụ nữ hơn 30 tuổi, và cũng chính vì thế mà cái chết của Tiểu công chúa dường như là một điểm đả kích đối với Hoàng hậu. Vào thời điểm Tiểu công chúa qua đời, cả nhà (gồm Đế-Hậu và Vĩnh Cơ) đều đang ở Viên Minh Viên, hồ sơ thời Thanh không ghi lại nơi chôn cất của Tiểu công chúa, nên có lẽ Tiểu công chúa được chôn gần khu vực ấy.

Chỉ hơn 7 tháng sau cái chết của Tiểu công chúa, Na Lạp thị hạ sinh con trai thứ hai. Hoàng tử được mang thai khi Na Lạp Hoàng hậu đang cùng Càn Long Đế trú tại Viên Minh Viên. Ngày Hoàng tử Vĩnh Cảnh ra đời, Khởi cư chú thời Càn Long chuyên ghi chép công việc Hoàng đế xử lý [trống rỗng], ngoài việc vấn an Sùng Khánh Hoàng thái hậu. Sách Thanh thực lục vào ngày hôm ấy cũng chỉ ghi duy nhất một việc: [Các vị đại thần Quân Cơ xứ nghị trình, tướng quân Phúc Châu là Tân Trụ tấu xin định nhiệm vụ cho lính đồn trú ở Phúc Châu (tỉnh lược nội dung tấu chương...). Càn Long Đế dụ: Y nghị][32]. Khởi cư chú bình thường đều dày đặc chữ, nhưng riêng ngày Hoàng tử Vĩnh Cảnh ra đời thì gần như trống trơn, có nghĩa là Càn Long Đế hôm ấy không lâm triều cũng không phê tấu chương. Nhưng dường như là Hoàng hậu Na Lạp thị mang thai Hoàng tử không đủ tháng, nên dẫn đến việc Hoàng tử chết yểu vào giờ Tý, ngày 24 tháng 7 (âm lịch) năm Càn Long thứ 22 (1757), được 19 tháng tuổi. Ngày hoàng tử chết, Đế-Hậu cùng đang ở Nhiệt Hà, Hoàng tử có khả năng lưu lại hoàng cung do còn quá nhỏ. Trong Khởi cư chú, mấy ngày trước và sau khi Vĩnh Cảnh qua đời, Càn Long Đế vẫn luôn ở tại Nhiệt Hà, cái gì cũng không làm trừ việc thỉnh an Hoàng thái hậu, có thể nói việc Hoàng tử ra đi cũng khiến Càn Long Đế đặc biệt đau lòng. Hoàng tử Vĩnh Cảnh qua đời còn nhỏ, không có mộ riêng, nên được phụ táng bên trong lăng viên của Đoan Tuệ Hoàng thái tử Vĩnh Liễn.

Trước đó, vào tháng 3 cùng năm, mẹ ruột của Hoàng hậu là Thừa Ân công phu nhân Lang Giai thị cũng qua đời. Liên tiếp con chết non, mẹ ruột cũng ra đi, Hoàng hậu Na Lạp thị sau đó được ghi nhận hướng chuyên về Phật học hơn. Vào đại thọ 70 tuổi của Sùng Khánh Hoàng thái hậu, Hoàng hậu Na Lạp thị được ghi nhận đã dâng lên một bản kinh Phật bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, Hoàng hậu Na Lạp thị cũng phủ dục các Cung nữ tử thành phi tần, đáng chú ý có Thận tần Bái Nhĩ Cát Tư thị, được phong làm [Y Quý nhân] cùng Hòa Trác thị, phong [Hòa Quý nhân]. Trong hai vị hậu cung này, Bái Nhĩ Cát Tư thị khá được Càn Long Đế coi trọng trong việc nội trợ, do trong Xuyên đái đương ghi chép về việc sửa chữa và làm y phục của Hoàng đế, Bái Nhĩ Cát Tư thị thường cùng Hoàng hậu làm một số vật dụng cá nhân cho Hoàng đế như Hà bao hoặc sửa chữa những y phục không vừa vặn. Còn về Hòa Trác thị, nhanh chóng tiến Dung tần, là một trong những sủng phi nổi tiếng nhất của Càn Long Đế về sau.

Năm Càn Long thứ 28 (1763), ngày 18 tháng 5, Càn Long Đế thân đến Nhiệt Hà chơi, đi theo có Hoàng hậu Na Lạp thị, ngoài ra còn có Dĩnh phi, Khánh phi, Hãn tần, Dự tần, Thận tần, Dung tầnTân Thường tại[33]. Tại đây Hoàng đế cho vẽ bức Càn Long cung trung hành lạc đồ (乾隆宫中行乐图), đằng sau có câu thơ rằng:

喬樹重密石逕紆,前行迴顧后行呼。鬆年粉本東山起,摹作宮中行樂圖。小坐溪亭清且紆,侍臣義漫襍傳呼。閼氏來備九嬪列,較勝明妃齣塞圖。幾閑壺單小遊紆,憑檻何鬚清蹕呼。詎是衣冠希漢代,丹青寓意寫為圖。瀑水當年落澗紆,巖邊馴鹿可招呼。林泉寄傲非吾事,保泰思艱懷永圖。Kiều thụ trọng mật thạch kính hu, tiền hành hồi cố hậu hành hô.Tùng niên phấn bổn Đông Sơn khởi, mô tác cung trung hành lạc đồ.Tiểu tọa khê đình thanh thả hu, thị thần nghĩa mạn tập truyện hô.Yên thị lai bị cửu tần liệt, giác thắng Minh phi xuất tắc đồ.Kỉ nhàn hồ đan tiểu du hu, bằng hạm hà tu thanh tất hô.Cự thị y quan hi Hán đại, đan thanh ngụ ý tả vi đồ.Bộc thủy đương niên lạc giản hu, nham biên tuần lộc khả chiêu hô.Lâm tuyền ký ngạo phi ngô sự, bảo thái tư gian hoài vĩnh đồ.

Ý thơ rằng, Càn Long Đế trung niên thưởng lãm, mặc đồ người Hán, nhưng so với các Hoàng đế Nhà Hán lại thêm uy phong, vì Hán Hoàng phải gả Vương Chiêu Quân (tức Minh phi) để yên bờ cõi. Đặc biệt, Càn Long Đế còn khen Na Lạp Hoàng hậu tuy đã gần 50 tuổi còn đẹp hơn cả Vương Chiêu Quân, dựa vào câu Yên thị lai bị cửu tần liệt, giác thắng Minh phi xuất tắc đồ (閼氏來備九嬪列,較勝明妃齣塞圖). Danh từ Yên thị (閼氏), hay Yên chi, là chính thất của một Thiền vu người Hung Nô.